Back to top

Họa sỹ  Đỗ  Lệnh Tuấn – Cuộc đời và những

Họa sỹ  Đỗ  Lệnh Tuấn – Cuộc đời và những

con tem 

10/29/2013 11:25:19 AM

 

Với Anh, nghệ thuật không có điểm dừng, người sáng tác phấn đấu bao nhiêu cũng chưa đủ. Anh đi nhiều, đọc nhiều, hiểu nhiều và đặc biệt là rất nhiều ý tưởng cho những bộ Tem của mình.

Họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn thực hiện bộ Tem 120 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 

 

Sau nhiều lần liên hệ, cuối cùng thì anh cũng dành cho tôi một cuộc gặp. Đó là một chiều hè, tại quán cóc nép mình dưới hàng sấu trên phố Trần Hưng Đạo, con đường đã đi vào thơ nhạc và tâm thức của người Hà Nội. Một sự vô tình hay hữu ý, phía bên kia đường là trụ sở của Công ty Tem, nơi anh đã có gần 30 năm công tác. Tôi bắt đầu cảm nhận được sự tinh tế của người họa sỹ đa tài và lãng mạn này.

Không để cho tôi lúng túng lúc ban đầu, Anh chủ động bắt chuyện chân tình và cởi mở: “Chúng ta cùng nói chuyện nhé? Mà cũng chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm ngày phát hành con Tem Bưu chính cách mạng đầu tiên đấy, nếu có viết, phóng viên hãy viết về Tem Bưu chính Việt Nam ấy và đừng viết gì về cá nhân tôi, tôi cũng là người lao động bình thường thôi mà”. Tôn trọng sự khiêm nhường của Anh, cuộc nói chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh chủ đề Tem Bưu chính quá khứ, hiện tại và những dự báo cho tương lai. Và điều gây ngạc nhiên cho tôi, là khi nói về những bộ Tem đã phát hành thì anh là tác giả của khá nhiều bộ Tem có giá trị văn hóa, lịch sử và chính trị hơn 30 năm qua…

 

Họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn cùng các họa sỹ thực hiện bộ Tem đồ sộ cộng đồng các dân tộc Việt Nam

 

Họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn, sinh năm 1955, tuổi Ất Mùi. Là người Hà Nội gốc, trong gia đình đã nhiều đời sinh sống ở mảnh đất này, Anh tường tận từng con ngõ nhỏ, từng góc phố, những quán ăn ngon và những thắng cảnh của Hà Nội. Anh ham vẽ từ khi chưa đi học. Vừa học chữ, vừa học vẽ, năm 1973, Anh tốt nghiệp cấp III (bây giờ là hệ Phổ thông trung học). Năm 1981, Anh tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội với tấm bằng loại ưu, chuyên ngành tạo dáng và ưu thế là khá thành thục về đồ hoạ, sơn dầu. Ra trường trong lúc cơ chế bao cấp không cho anh nhiều cơ hội lựa chọn, đôi ba lần anh lưỡng lự định rẽ ngang để sớm lo cơm áo gạo tiền cho gia đình và bản thân, vì “đói thì mấy ai còn hồn đâu mà ngắm tranh” – Anh suy tư, kể lại. Thế rồi như một cơ duyên, một định mệnh, Anh được tiếp nhận vào làm việc tại Công ty Tem, Công ty mới được thành lập và Anh được biên chế trong nhóm họa sỹ vẽ Tem Bưu chính

Những năm tháng đầu tiên vào nghề với Anh cũng khá nhọc nhằn và vất vả. Kiến thức học ở trong Trường với công việc thực tế có những khoảng cách nhất định. Tem bưu chính có kích thước nhỏ bé, chỉ bằng bút pháp nghệ thuật, làm sao để thể hiện được nhiều nhất, rõ nét nhất chủ đề của các bộ Tem. Đó là chưa kể đến điều kiện trang thiết bị, họa phẩm tối thiểu cho người họa sỹ vẽ Tem cần có. Anh tâm sự: “Con Tem tưởng đơn giản, nhưng mỗi con Tem như một thân phận vậy. Quá trình tìm tòi, nghiên cứu, thu thập thông tin tư liệu, suy nghĩ, hình thành ý tưởng là đặc biệt quan trọng, đây là giai đoạn đầu tiên, khó khăn và công phu nhất nhưng sẽ là quyết định thành công của con Tem. Mỗi con Tem thường không chỉ có một ý tưởng, người họa sỹ cố gắng phác họa để lựa chọn cho mình một phương án tốt nhất và tập trung cao độ để sáng tác mới dễ thành công. Đặc biệt là những bộ Tem về đề tài chính trị, các danh nhân, các vị lãnh tụ trong lịch sử của dân tộc, làm sao để khắc họa chính xác, chân thực, tránh sáo mòn hoặc “vay mượn” ý tưởng của người khác. Và không chỉ dừng ở đó, con Tem phải qua các đơn vị chuyên môn và đặc biệt là Hội đồng tư vấn Tem Quốc gia bao gồm các nhà tư tưởng, các chuyên gia, các nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực thẩm định, góp ý, phê bình, chỉnh sửa, rồi mới thông qua. Công đoạn cũng rất quan trọng nữa đó là in; công nghệ in, chất lượng màu sử dụng, giấy in…mỗi thứ một chút, mới ra được một con Tem hoàn chỉnh. Thành công của một con Tem, là kết quả lao động của người họa sỹ, nhưng đó là đóng góp trí tuệ của rất nhiều người, đó là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, những người công nhân trong xưởng in và cả những người thân, bạn bè đồng nghiệp của Anh.  

Sinh ra, lớn lên chứng kiến những đổi thay của cách mạng, những kỷ niệm của tuổi thơ ấu đã ăn sâu trong tâm thức của Anh, nên Anh khá có duyên với đề tài chính trị. Các bộ Tem: Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1995); 50 năm Báo Nhân dân ra số đầu tiên (11.3.1951-11.3-2001); 400 năm Phú Yên; 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 100 năm sinh Tôn Thất Tùng, 100 năm sinh Nguyễn Huy Tưởng; 100 năm sinh Nguyễn Văn Cừ…; cùng hàng trăm mẫu khác mà Anh cùng các họa sỹ khác thiết kế.

 

Trong sự nghiệp của mình, thể hiện thành công hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Tem Bưu chính mang đến cho Anh nhiều cảm xúc và thành công lớn. Anh bồi hồi nhớ lại khi còn là một cậu bé lớp 6, trường nằm ở khu sơ tán Quảng Bá, chưa từng có may mắn được gặp Bác nhưng cũng òa khóc nức nở trong lễ tang Người trên quảng trường Ba Đình năm 1969. Sự kính trọng và biết ơn vị lãnh tụ của dân tộc trong tâm hồn đã truyền lửa vào từng nét vẽ của Anh. Anh đã vẽ trên 10 mẫu về Bác, trong đó có 6 mẫu tem được duyệt phát hành chính thức. Với mỗi mẫu tem vẽ Bác, anh đều gửi gắm trong đó tình cảm, niềm kính yêu vô hạn với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tham dự Lễ phát hành đặc biệt bộ Tem kỷ niệm 120 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Vinh, Nghệ An (19/5/2010) đã đánh giá cao về bộ Tem do Anh vẽ, hình ảnh Bác trên tem đã toát lên được thần thái, phong cách của Người – đây là phần thưởng vô giá cho người nghệ sỹ sáng tác.  

 

Đề tài phong cảnh, môi trường, thiên nhiên có lẽ là sở trường của Đỗ Lệnh Tuấn, và thực sự Anh đã làm cho thiên nhiên đẹp hơn, quyến rũ hơn trong các mẫu thiết kế Tem của mình. Tỷ lệ hơn một nửa số mẫu Tem do Anh sáng tác trong sự nghiệp của mình đã khẳng định điều đó. Những công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga tráng lệ, những khải hoàn môn, đền, chùa, cầu mái ngói…không kém phần hoành tráng trên những vuông giấy nhỏ của con Tem. Những loài hoa như đang nở với muôn sắc màu, lay động trên mỗi con Tem. Những con tem mang hình ảnh ngọn núi, cột mốc nơi tuyến đầu tổ quốc, những hòn đảo nơi biển xa mênh mông, như nhắc nhở chúng ta niềm tự hào và chủ quyền thiêng liêng của dân tộc…    

 

Anh rất kiệm lời khi nói về mình. Anh có thứ bậc khá cao trong làng hội họa, văn nghệ sỹ. Nhưng nếu không phải là người tìm hiểu về Anh hay biết sơ qua về Anh trước khi tiếp xúc thì cũng khó đoán được Anh là họa sỹ. Anh sôi nổi, năng động và hào hiệp, không ham công danh và chức vị, đồng cảm và sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp. Trao đổi với Anh, mới thấy Anh là con người đam mê với nghề.  30 năm sáng tác, trong đó 28 năm ở Công ty Tem và hiện tại đang làm việc tại Ban Tem Bưu chính của Bưu điện Việt Nam, Anh đã có một kho các mẫu tem khá ấn tượng là gần 100 bộ Tem, với gần 400 mẫu (bao gồm cả Tem khối), đa dạng các chủ đề: Chính trị, lịch sử, quân đội, khoa học – kỹ thuật, động thực vật, thể dục – thể thao, phong cảnh, kiến trúc… Bên cạnh đó là 150 mẫu thiết kế của Anh về phong bì tem, phong bì ngày phát hành đầu tiên (FDC), dấu kỷ niệm, tranh ghép tem. Đây là những con số vô cùng ấn tượng đối với một người họa sỹ sáng tác, và không phải họa sỹ nào cũng có thể làm được.

 

Một kết quả nữa mà Anh cũng khá thành công đó là thể loại tranh ghép Tem. Từ hàng ngàn, hàng vạn con Tem, cùng đồng nghiệp, Anh ghép nên những bức tranh thật đẹp và có sức sống lạ kỳ. Chúng ta rất dễ bắt gặp ở đâu đó những bức tranh ghép Tem chân dung của các vị lãnh tụ, phong cảnh núi non trùng điệp hay mộc mạc, yên tĩnh của những làng quê Việt Nam… Đó là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc, tỉ mỉ của người họa sĩ.

 

Phía sau những thành công của Anh, là người bạn đời, cũng là một họa sỹ, đã đi cùng Anh suốt những tháng năm thăng trầm của cuộc sống. Người gom nhặt, se những sợi chỉ nhỏ thành sợi dây hạnh phúc bền chặt của gia đình. Căn nhà nhỏ nằm trong ngõ Quỳnh thuộc khu phố Quỳnh Lôi luôn ấm áp và tràn đầy tiếng cười hạnh phúc của những người thân và bè bạn. Ba người con trai của Anh Chị đã theo nhau học hành và dựng nghiệp tại Singapore, là nguồn động viên và chỗ dựa tinh thần vô cùng to lớn của anh chị.

Tôi hỏi xen ngang câu chuyện với Anh: “Đã có lúc nào, Anh có ý định dành một triển lãm hay trưng bày về các bộ Tem của mình ?”. Anh nhìn xa xăm và trả lời tôi: “Cũng có suy nghĩ và hy vọng ngày nào đó, khi chia tay với nghề. Nhưng chắc là khó, vì người dùng Tem thì nhiều, nhưng người chơi Tem và cảm thụ về Tem còn ít quá, bên cạnh đó là điều kiện kinh tế cá nhân của mình chưa cho phép”. Anh đùa rằng: “Tôi đang dùng đồng hồ đếm ngược rồi. Chỉ thời gian ngắn nữa tôi sẽ được về nghỉ chế độ thôi”. Anh nói tới đây, tôi cảm giác khóe mắt của mình như nhòe đi; một chút bâng khuâng, luyến tiếc đang xâm chiếm tình cảm của tôi. Người làm nghề thì nhiều, nhưng người thành công với nghề, để lại những công trình, sản phẩm và kinh nghiệm cho thế hệ sau thì có đáng là bao; hiểu nghề và gắn bó với nghề như họa sỹ Đỗ Lệnh Tuấn chắc rất khó có thể kiếm tìm.  

 

Chúc và uống cạn ly bia hơi Hà Nội với Anh, tôi xin phép Anh ra về. Suy nghĩ xâu chuỗi của những thăng trầm của cuộc đời Anh, những mẫu Tem của anh như cuốn phim quay chầm chậm trước mắt tôi, tôi tự nhủ: ừ nhỉ, tài năng, tâm huyết, thời gian trôi… có bao giờ thuận chiều đâu!?   

 

Khi bài viết này đến với bạn đọc, tôi được tin Bộ Thông tin Truyền thông vừa quyết định phát hành bộ Tem chuyên đề nhạc cụ dân tộc Việt Nam mà anh cùng một họa sỹ nữa thể hiện, với 3 mẫu tem, giới thiệu hình ảnh 3 loại nhạc cụ: đàn Ta lư, đàn Goong và đàn Kloong put. Tôi mong thời gian sẽ trôi qua thật chậm, để tôi còn được thấy những tác phẩm được sinh ra từ cái Tâm, cái Tầm và cái Tài của Anh, người họa sỹ tài hoa – Đỗ Lệnh Tuấn.

Theo Vnpost.vn