Back to top

Bông hồng phố Núi. 

Bông hồng phố Núi. 

10/29/2013 3:28:49 PM

Mọi người biết tới Chị là một doanh nhân trưởng thành từ một nhà giáo. 32 năm công tác liên tục, thành đạt trong sự nghiệp và có cuộc sống gia đình hạnh phúc, Chị xứng đáng với danh hiệu được tôn vinh: “Doanh nhân tiêu biểu”,  “Phụ nữ hai giỏi”.

Đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 
cho Bưu điện tỉnh Hòa Bình và cá nhân đồng chí Nguyễn Thị Hải – Giám đốc Bưu điện tỉnh

Chiếc xe Land Cruiser oằn mình vượt qua hố bùn lầy, chồm lên lao sang bên trái đường rồi đứng khựng lại bên mép đường, phía dưới là vực khá sâu; mặc dù xe có điều hòa nhiệt độ nhưng mồ hôi vẫn rịn trên trán người lái xe. Mắt chúng tôi bắt đầu hoa và đầu óc có cảm giác choáng váng. Người lái xe quay lại nói với chúng tôi: “Còn 7 cây số nữa mới tới trung tâm Đà Bắc, con đường phía trước cũng như vậy thôi, các anh chị chưa đi những con đường như thế này thì chưa thể nói đã về Hòa Bình, thế mà chị Hải (Giám đốc Nguyễn Thị Hải) thường xuyên đi về trên con đường này đấy”.

 

Ngồi cạnh tôi trên chuyến xe “kỷ niệm”, suốt cả quãng đường dài Chị không đề cập gì tới những khó khăn, mà say sưa nói kể về những người lao động của Bưu điện tỉnh, tần tảo “một nắng hai sương” mang doanh thu về cho đơn vị. Thấy người lái xe nói về con đường ghập ghềnh, lầy lội đi về, Chị cười nói: “Con đường hay nhất để thoát khỏi gian khó là đi xuyên qua nó”!. Tôi đã nghe, đã tìm hiểu trước về Chị để chuẩn bị cho chuyến đi này, nhưng câu nói của Chị càng cho tôi một chút bất ngờ, sự cảm phục và muốn biết nhiều hơn nữa về những công việc Chị đã làm.

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất trồng dâu, dệt lụa, dòng sông Đáy lượn quanh  uốn khúc; củ khoai, củ sắn luộc cho đỡ đói mỗi buổi sáng đến lớp, bài giảng của thầy cô bị đứt đoạn mỗi khi máy bay Mỹ ném bom, cô trò chỉ vội ôm quyển sách rồi cùng chui vào hầm trú ẩn… Hình ảnh, truyền thống của quê hương đã dệt cho Chị những hoài bão, nuôi dưỡng chí hướng phấn đấu. Chị bước chân vào ngành Bưu điện cũng như một định mệnh. Ước mơ những năm còn cắp sách đến trường là trở thành cô giao dịch viên tay cầm ống nghe, ngôn từ nhỏ nhẹ, nụ cười thường trực trên môi, kết nối những niềm vui, sẻ chia những nỗi buồn với mọi người đã theo Chị suốt trong những năm tháng tuổi trẻ. Hoàn thành chương trình học tập với kết quả loại ưu tại Trường Trung cấp Bưu Điện miền núi (nay là Trường Công nhân  BCVNCNTT Thái Nguyên), Chị được giữ lại trường làm giáo viên giảng dạy nghiệp vụ. 7 năm gắn bó học tập rồi làm giảng viên, đã giúp cho Chị tích lũy một khối lượng kiến thức khá phong phú. Năm 1981, Chị xây dựng gia đình, “thuyền theo lái” Chị theo Anh về Hòa Bình. Đây cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt trên con đường sự nghiệp của Chị, khi Chị chuyển công tác về Bưu điện tỉnh Hà Sơn Bình, và điểm đến của Chị là mảnh đất Đà Bắc, trực tiếp là kiểm soát viên của Bưu điện huyện.

 

Cơ chế tập trung bao cấp làm cho cả nền kinh tế kiệt quệ và thiếu động lực phát triển, ngành Bưu điện không nằm ngoài thực tế đó và ở Đà Bắc có lẽ là đã “chạm tới đáy” sự khó khăn của cả Ngành. Rừng núi heo hút, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc, đường về trung tâm tỉnh vốn đã quá nhỏ lại gập ghềnh, bụi bặm về mùa khô, trơn trượt và lỗ trỗ “ổ trâu” vào mùa mưa, đường về các xã thì hầu như là phải cắt rừng, lội suối. “Làm sao để Bưu điện đến được với đồng bào?”, “làm sao để người lao động Bưu điện sống được bằng nghề của mình?”…những câu hỏi như vậy cứ đau đáu, trăn trở trong suy nghĩ Chị và đồng nghiệp.

 

Ngọn đèn dầu leo lét bao năm tháng thức cùng Chị bên từng trang giáo án, nay lại thức cùng Chị để xây dựng nên những phương án cải tiến hành trình đường thư, cải tiến quy trình khai thác các dịch vụ, phục vụ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nơi đơn vị trú đóng…. Từ lý thuyết và kinh nghiệm của một nhà giáo giảng dạy nghiệp vụ, nay lại được ứng dụng vào thực tiễn, Chị đã có những bước trưởng thành vững chắc. Sau thời gian ở Đà Bắc, Chị được điều động về làm phòng nghiệp vụ Bưu điện tỉnh, là chuyên viên sau đó là Trưởng phòng.

 

Năm 1991, tỉnh Hà Sơn Bình chia tách thành 02 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. “Trọn tình” với con người, cảnh vật phố Núi, “trọn nghĩa” với người bạn đời, Chị quyết định công tác tại Hòa Bình. Là tỉnh ở vị trí cửa ngõ thủ đô với các tỉnh vùng Tây Bắc, điều kiện tự nhiên núi đá hiểm trở và không có tiềm năng lớn, nên cái khó, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi với mỗi người dân nơi đây.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng VI đề ra đường lối đổi mới đất nước như luồng sinh khí mới. Lãnh đạo ngành Bưu điện đã có những bước đi linh lợi và sáng tạo, sớm vượt qua khó khăn do bị các nước phương Tây cấm vận, đi nhanh, đi trước một bước tạo điều kiện hỗ trợ các ngành kinh tế khác cùng phát triển; các gói tín dụng với nước ngoài bằng trang thiết bị của viễn thông nhanh chóng được triển khai. Cùng với toàn Ngành, Bưu điện tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương hiện đại hóa mạng lưới bưu chính, viễn thông. Các tuyến cáp quang, cáp đồng, vi ba đã thay thế các tuyến dây trần; hệ thống tổng đài số dần thay thế các tổng đài từ thạch; các đường thư Bưu chính được sử dụng xe chuyên ngành; hàng loạt các dịch vụ mới được mở ra, tạo cho Bưu chính, Viễn thông Hòa Bình một diện mạo và sức bật mới.

 

Đầu những năm 2000, sự thành công của 02 giai đoạn tăng tốc độ phát triển ngành Bưu chính Viễn thông đã đặt ra yêu cấu cần tiếp tục đổi mới để phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình chia tách Bưu chính, Viễn thông một lần nữa lại thử sức Ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Bưu điện tỉnh. Thuận lợi lớn cho Bưu điện tỉnh và cá nhân Chị là đồng chí Hoàng Trung Thu, Giám đốc Bưu điện tỉnh cũ tiếp tục là Giám đốc Bưu điện tỉnh mới. Những kinh nghiệm của bề dày công tác, phong cách nho nhã, thâm thúy của người lãnh đạo tiền nhiệm đã để lại cho Chị những bài học lớn. Năm 2008, đồng chí Hoàng Trung Thu nghỉ chế độ, Chị được bổ nhiệm là Phó Giám đốc phụ trách sau đó là Giám đốc Bưu điện tỉnh. Cũng thời gian này, các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho bưu chính chưa ra đời, các nguồn thu từ hợp tác với viễn thông chiếm tỷ trọng chi phối, nhưng cứ thấp dần đi qua từng năm, các dịch vụ “lõi” bưu chính tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng tỷ trọng trong tổng doanh thu lại thấp; số lượng lao động lại nhiều và tỷ trọng lao động được đào tạo bài bản lại thấp; cơ sở vật chất, phương tiện đều đã xuống cấp không có chi phí để sửa chữa; trên thị trường, các dịch vụ có lợi nhuận đều đã bị cạnh tranh gay gắt… Mặc dù quá trình chuẩn bị cho chia tách là khá kỹ, song Chị cũng không thể hình dung hết được thực tế khó khăn và nghiệt ngã như vậy.

 

Một loạt chương trình hành động, tháo gỡ khó khăn được Chị cùng tập thể chức năng cân nhắc, trao đổi, và tập trung thực hiện. Cán bộ có năng lực, có sở trường được Chị sắp xếp ai vào việc ấy; có những cán bộ từ huyện xa chấp hành lệnh điều động của Chị về Bưu điện tỉnh làm việc, xa nhà, xa gia đình nhưng mọi người đều vui vẻ, quyết tâm nhận nhiệm vụ. Chị chủ động tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo của tỉnh Hòa Bình, của Tập đoàn VNPT và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam. Sự quan tâm, khích lệ, động viên đó đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho Chị. Những đề xuất, kiến nghị của Chị đối với các đề án phát triển mạng lưới bưu cục, Điểm Bưu điện – Văn hóa xã, các dịch vụ trên địa bàn…không phải bao giờ cũng “thuận buồm, xuôi gió”. Bằng cái tâm với nghề, sự quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Chị đã thuyết phục được, và kết quả đạt được cũng đã vượt qua cả sự mong đợi của Chị và tập thể đơn vị.

 

Chị nói: “Có người bảo tôi là người hay phản biện. Nhưng nếu không có chính kiến, không quyết tâm thì mạng lưới và các dịch vụ Bưu chính trên địa bàn tỉnh, rồi chênh lệch thu – chi của Bưu điện tỉnh, và trực tiếp là công ăn việc làm, tiền lương, thu nhập của mấy trăm lao động và theo đó là nồi cơm của mấy trăm gia đình sẽ ra sao? ”. Không ít ý kiến trái chiều; Không ít tình huống Chị phải gạt bỏ đi sự tự ái, nuốt nghẹn những giọt nước mắt vào trong lòng, quyết định thực hiện bằng được để đạt được mục tiêu mà Chị cùng tập thể đặt ra. Phân tích số liệu kinh tế của Bưu Điện tỉnh qua các năm, mới thấy hết được sự cố gắng của đội ngũ lao động đơn vị và công lao của người “đứng mũi chịu sào”: doanh thu tính lương tăng trưởng hàng năm trên 15%, năng suất lao động tăng bình quân 10%. Từ một đơn vị có số liệu cấp bù khá lớn nay đã gần đạt tới mốc cân bằng thu chi, và Chị đã đặt mục tiêu đó là phải hoàn thành trong năm 2014; duy trì ổn định việc làm và thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Bên cạnh đẩy mạnh tập trung cho sản xuất kinh doanh, Bưu điện tỉnh đã kiện toàn hệ thống đường thư nội tỉnh, hoàn thiện cơ cấu tổ chức sản xuất, sắp xếp, bố trí lại lao động một cách hợp lý và khoa học, hoàn thiện hệ thống cơ chế, quy chế quản lý nội bộ, các biện pháp tạo động lực cho người lao động. Là đơn vị thường bị cấp trên cắt thi đua khen thưởng do không hoàn thành nhiệm vụ, từ năm 2009 đến nay, Bưu điện tỉnh liên tục được Tập đoàn VNPT, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng thưởng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua hàng năm. Với riêng Chị, trong suốt những năm tháng công tác, Chị đều được cấp trên đánh giá khen ngợi  và tặng những phần thưởng cao quý, đó là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2007-2011); Danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình năm 2011, Bằng khen lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn, Chiến sỹ thi đua ngành Thông tin Truyền thông các giai đoạn… Điều tâm đắc nhất và có lẽ là việc quan trọng nhất mà Chị đã làm được cho Bưu điện tỉnh Hòa Bình đó là Chị đã xây dựng được một tập thể thuận hòa, đoàn kết, tin cậy và gắn bó. Một đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, năng động, sáng tạo đã và đang kế tục, viết tiếp  truyền thống của thế hệ đi trước. Bưu điện tỉnh như một ngôi nhà, mỗi thành viên gắn bó với nhau, chia sẻ khó khăn, cộng đồng trách nhiệm; chuyên môn, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên sát cánh, đồng lòng, nhất trí dưới sự lãnh đạo của cấp ủy – đó chính là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc giúp Chị hoàn thành mọi công việc.

 

Tiếp xúc với Chị, ai chưa quen, có thể cho rằng Chị là người nói hơi nhiều. Nhưng lắng nghe kỹ những điều Chị nói mới thấy cái nghiệp đã ăn sâu vào lý trí và tình cảm của Chị. Bưu chính khi tách ra độc lập, cả mạng lưới gần 100 đầu mối nhưng  chỉ có 7 Giám đốc là nữ, mỗi người một nét, một tính cách, với Chị nét đặc trưng đó là: không bao giờ bỏ cuộc và không bao giờ chịu dừng lại. Ở bưu cục nào khó khăn, ở điểm nào trên mạng lưới có vướng mắc, là Chị đến tận nơi và giải quyết tới tận gốc. Chị có thể kiên trì, ngồi rất lâu lắng nghe những ý tưởng, sáng kiến của từng nhân viên. Chị hào hứng, sôi nổi khi trao đổi về những vấn đề mới của mạng lưới và trầm bổng, sâu lắng, một chút luyến tiếc khi nói về những năm tháng đã qua, khi Bưu chính Viễn thông đồng hành để xây dựng nên thương hiệu Bưu điện lớn mạnh, vì đặc thù ngành nghề và quy luật phát triển, Bưu chính, Viễn thông đã chia tách, nhưng Chị luôn tin tưởng và nỗ lực làm sợi dây liên kết để Bưu chính, Viễn thông Hòa Bình gắn kết, hợp tác, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển.

 

Bận rộn công việc cơ quan, đoàn thể, nhưng Chị luôn giành tâm sức để chăm lo cho gia đình; làm tròn trách nhiệm của một người con, người cháu trong dòng họ, đặc biệt là thiên chức làm vợ, làm mẹ. Hai người con trai sau khi học hành, theo định hướng của cha mẹ đã về làm việc tại Bưu điện tỉnh. Chị cố gắng dành những giờ phút rảnh rỗi làm công việc nội trợ, chu toàn lo cho chồng con từng bữa “cơm dẻo, canh ngọt”. Gia đình của Chị thực sự là một tổ ấm hạnh phúc, các thành viên trong gia đình thương yêu nhau, đùm bọc và sống có trách nhiệm với nhau. Từng cử chỉ nhỏ thể hiện sự quan tâm của người bạn đời, của những người con đã giúp xua tan sự mệt mỏi, căng thẳng của Chị sau mỗi ngày làm việc. Chị tâm sự: “Sự cân bằng trong cuộc sống là cần thiết, mỗi người phụ nữ trong chúng ta cần tìm cho mình một phương pháp. Bí quyết đó là lòng yêu nghề và tình yêu lớn đối với gia đình của mình. Đã làm việc phải tâm huyết, luôn có ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, trách nhiệm với cơ quan, đơn vị. Người cán bộ nữ muốn thành đạt trong công việc, trước hết phải làm tròn trách nhiệm với gia đình, coi gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất.  Dù ở cương vị nào, trình độ học vấn ra sao, nữ trí thức vẫn phải là người thực hiện chức năng thiên bẩm đó là sinh con, nuôi dạy con, sẵn sàng hy sinh cho chồng, cho con. Chỉ khi chúng ta làm tốt vai trò trách nhiệm với gia đình thì ta mới yên tâm cống hiến cho công việc xã hội”. Thực hiện được những điều đó đòi hỏi đức hy sinh rất lớn ở người phụ nữ, và cũng không phải đơn giản để Chị liên tục được Tập đoàn VNPT, Công đoàn Bưu điện Việt Nam trao tặng Bằng khen về thành tích phụ nữ hai giỏi nhiều năm liên tục.

 

Cơn mưa rừng thoáng qua rồi tạnh, những sắc màu lung linh của cầu vồng nối hai đường chân trời càng tôn thêm vẻ đẹp của bầu trời đầu thu. Dòng suy nghĩ của tôi bị ngắt quãng với ngữ điệu đầy hào hứng của Chị: “Hòa Bình bắt đầu triển khai quản lý người hưởng, chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua Bưu điện. Địa bàn rộng, dân cư rải rác, thời gian chi trả ngắn, trong khi phương tiện và lao động làm được việc còn thiếu. Nhưng Bưu điện tỉnh quyết tâm phải làm thật tốt, vì đây là cơ hội để Bưu điện tỉnh tiếp cận các dịch vụ hành chính công mà các cấp lãnh đạo của tỉnh đang mong đợi”. Tôi hiểu và tin tưởng vào sự quyết tâm của Chị, cùng nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên Bưu điện tỉnh chắc chắn sẽ mang tới thành công. Tôi hy vọng Bưu điện Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều những cán bộ quản lý như Chị –  người nữ giám đốc luôn có duyên và tài năng chinh phục khó khăn, thử thách.

  

Theo vnpost