Back to top

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tá túc tại Nha Bưu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tá túc tại Nha Bưu

điện Việt Nam. 

10/29/2013 11:26:15 AM

 Đông xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp đã bước sang giai đoạn tổng công kích. Tuy nhiên, quân xâm lược Pháp vẫn ngoan cố đưa nhiều đơn vị thiện chiến, nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại vào Việt Nam, hòng giành thế chủ động trên chiến trường.

Giặc Pháp tổ chức xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ rất quy mô và hiện đại. Chúng đã cho máy bay, đại bác bỏ bom, bắn phá, hủy hoại mọi tuyến đường dẫn tới mặt trận này, nhằm chặn đứng mọi sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến, trong đó có Đèo Khế thuộc Văn Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên.

Quân ta quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm này. Theo chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, toàn chiến trường đều nổ súng tiến công quân Pháp để chia lửa với Chiến trường Điện Biên Phủ, hạn chế đến mức tối đa chúng đưa quân tiếp viện Điện Biên.

Đèo Khế nằm giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang, là con đường trọng yếu cho bộ đội hành quân lên Tây Bắc. Địa danh này đã trở thành nhân chứng của nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Trong kháng chiến chống Pháp, đèo Khế vừa là cầu nối giữa hai khu của ATK ở Sơn Dương, Tuyên Quang và Đại Từ vừa là đoạn đường hành quân lên Tây Bắc, do đó thực dân Pháp ném bom đèo Khế rất ác liệt. Dân công ở đây đã phải ngày đêm chống chọi với bom đạn của địch, bạt núi, mở đường cho xe ta qua.

Những đoàn xe đạp thồ lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược đã trở thành huyền thoại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu, nguồn: Internet)

 

Ngày 20/3/1954, đoàn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp di chuyển lên căn cứ Mường Phăng, Điện Biên. Khi đến khu vực Đèo Khế có biển thông báo bom nổ chậm, đoàn phải đưa Đại tướng quay lại nghỉ tại Nha Bưu điện ở núi Cây Hồng sau Đèo Khế để chờ đội rà phá bom mìn thông đường.

 

Lúc này, tôi đang đứng bảo vệ tại khu vực Nha Bưu điện thì thấy có chiếc xe comangca chở các thiết bị thông tin tiến lại. Vì nơi đây là đường độc đạo nên xe phải đỗ bên ngoài, lúc đó có đoàn người xuống xe (khoảng 5 đồng chí) và đi vào trong Nha Bưu điện. Đi đầu đoàn là đồng chí Lê Phương, người đi ngay phía sau (không đội mũ) tôi ngờ ngợ đó là đồng chí Trường Chinh nhưng không dám hỏi. Đồng chí Phương bảo tôi đưa đoàn đến gặp Thủ trưởng Bưu điện (lúc bấy giờ là đồng chí Trần Quang Bình – Giám đốc Nha Bưu điện). Khi lên trên đồi gặp anh Bình và anh Phúc (thư ký của anh Bình) lúc đó tôi mới được biết người không đội mũ đi cùng đoàn là anh Văn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau một thoáng hội ý, anh Bình đã lập tức dọn dẹp đồ đạc, nhường lại chỗ cho Đại tướng và đoàn công tác căng angten, các thiết bị thông tin chỉ huy mặt trận Điện Biên. Lúc này ngoài trời sẩm tối, đã thấy khói lam trên các nhà sàn và toàn cánh đồng lúa chín vàng như đang reo mừng đón đoàn của anh Văn.   

 

Chiều hôm sau, bom nổ chậm đã rà phá hết, đường Đèo Khế được san lấp lại, Đại tướng cùng đoàn tiếp tục lên Mường Phăng để chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Đây là một kỷ niệm không thể nào quên với cá nhân tôi khi một lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Theo Vnpost.vn